Cho con đi học ở Mỹ: Chia sẻ của cặp đôi Hoàng Phương Nhung và Glen Tatum

Chị Hoàng Phương Nhung và chồng là Glen Tatum đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nuôi sinh viên Việt Nam du học tại nhà mình. Ở bài viết trước, chị Nhung đã chia sẻ nhiều thông tin về chi phí sinh hoạt tại Mỹ, về việc nên hay không nên cho con đi học trung học, về những khó khăn mà học sinh Việt Nam gặp phải trong thời gian đầu đến định cư tại Mỹ, cũng như một số vấn đề về tâm lý và khác biệt văn hóa mà cha mẹ ở Việt Nam cần suy nghĩ trước khi quyết định.

Ở bài này, chúng tôi đi vào chi tiết cuộc sống thực tế hàng ngày của những học sinh ở trong nhà hai anh chị. Mời các bạn theo dõi chia sẻ của chị Nhung và sau đó là của chồng chị, anh Glen Tatum.

Lịch sinh hoạt của các cháu trong gia đình chị cụ thể ra sao? Vấn đề kỷ luật được xử lý thế nào?

Thời gian biểu cho hằng ngày là cần thiết

Chúng tôi cố gắng tạo cho các cháu những căn bản tối thiểu cần có trong việc học tập – từ máy vi tính đến máy in, ipad, iphone, TV phòng nào cũng có. Giờ giấc sinh hoạt trong tuần thì theo lịch trình như sau: mỗi tuần tự dọn phòng của mình, hút bụi, quét dọn; toilet xài riêng thì tự dọn, xài chung thì chia nhau, cháu này dọn tuần này, cháu kia dọn tuần sau… Áo quần tắm xong bỏ vô giỏ, khi nào đầy thì đem xuống phòng giặt – có thể giặt chung hay riêng thì tùy, giặt xong tự xếp và treo lên. Chiều đi học về được tự do nghỉ ngơi tắm rửa từ 3h30 đến 5h. Chiều 5h tôi đi làm về thì xuống phụ nấu cơm dọn bàn ăn cơm. Ăn xong nghỉ ngơi nói chuyện hoặc chơi tự do đến 7h học bài, 10h nghỉ, cho phép xài ipad trong phòng đến 11h xong đem xuống để dưới nhà và đi ngủ. 6h30 dậy xuống ăn sáng và 7h15 ra khỏi nhà.

Hai tuần đầu khi mới qua định cư tại Mỹ mình nhắc nhở từng chuyện một, từ việc học bài và thức dậy đúng giờ để khỏi trễ học, sau đó là phải theo lịch trình. Khi mọi thứ đâu vô đó thì các cháu rất thoải mái và quen dần cuộc sống bên này. Nhưng vấn đề kỷ luật phải nghiêm túc. Ví dụ đứa cháu ruột của mình học lớp 10, học rất tốt nhưng ham chơi net. Có bữa nó ngủ quên mình không kêu dậy, cho nó đi bộ và trễ mất 1 tiết. Sau đó mình cắt giờ tự do từ 1 tíếng xuống còn nửa tiếng, có thay đổi mình mới cho tự do lại.

May mắn của mình là nhà mình cách trường đi bộ chỉ có 10 phút, lái xe 3 phút, như VN mình ra đầu ngõ là đến trường. Sáng mình đi làm đưa đi, chiều rảnh thì đón hoặc các cháu đi bộ về, đa phần các cháu đi bộ về, vừa tập thể dục vừa về sớm nghỉ ngơi. Mùa đông thì ở lại trường làm bài tập về nhà (homework), ông xã hoặc mình về đón. Các cháu ở với gia đình mình 1 năm là được dạy bằng lái xe hết, ông xã mình dạy cho các cháu và đưa đi thi.

Chị vui lòng giải thích thêm tại sao chị đặt nặng vấn đề kỷ luật? Về việc thưởng, phạt?

Với chúng tôi, kỷ luật là điều căn bản chúng tôi đặt ra với các cháu. Toàn bộ du học sinh ở nhà chúng tôi trong nhiều năm qua là con của bạn bè thân của tôi hoặc con cháu trong gia đình. Ở trên chị có hỏi tôi về sự khác biệt giữa ở với bạn bè của cha mẹ hoặc bà con và ở với gia đình người bản xứ. Trường hợp gia đình tôi là cả hai – vừa là gia đình bản xứ vừa là bạn của ba mẹ/cô dì bởi ông xã tôi là người bản xứ, còn tôi là bạn bè của bố mẹ hoặc dì/cậu của các cháu. Cả hai chúng tôi đều đã từng làm nghề giáo. Tôi đã có thời gian làm giáo viên ở VN gần 10 năm trước khi qua định cư tại Mỹ, ông xã tôi dạy college cũng hơn 10 năm trước khi chuyển qua công việc hiện tại. Và chị biết, nghề giáo thì bản chất là khó khăn, nhất là thầy cô giáo ở VN. Bởi vậy trong gia đình tôi trật tự kỷ cương là hàng đầu. Đi thưa về trình, ăn cơm phải mời, ăn nói dạ thưa lễ phép và tôn trọng mọi người – những tập tục ở VN tôi giữ nguyên. Nguyên tắc của tôi là “cái gì của VN hay thì giữ, cái gì của Mỹ tốt thì học.” Ông xã tôi dạy các cháu văn hóa Mỹ và ẩm thực Mỹ, tôi dạy các cháu kỷ cương VN và nấu các món ăn VN. Có lẽ tôi còn ảnh hưởng văn hóa phương đông và cách giáo dục của Ba Mẹ tôi đã ảnh hưởng tôi khá nhiều nên tôi cũng thuộc loại hơi khó tính. Ông xã mình hay nói “thà khó mà con người ta còn, chứ dễ họ mất con mình sẽ không an lòng.”

Ông xã tôi lo chuyện dạy các cháu học và dạy lái xe, lo chích ngừa hay khám sức khỏe. Tôi lo ăn uống, sinh hoạt gia đình và tổ chức những chuyến đi chơi vào các kỳ nghỉ cho cả nhà. Khi các cháu ngoan thì cuối tuần đi ăn ngoài, đi xem phim, hoặc mốt cái quần, cái áo, đôi giày… Khi các cháu hư thì giảm giờ tự do, không đuợc đem phone hoặc ipad lên phòng, cần thiết nữa là cắt luôn việc xài internet.

Sinh hoạt ngoại khóa để tìm hiểu và hội nhập xã hội, cũng như để thư giãn cho các cháu là điều rất quan trọng. Cuối tuần, vào các ngày lễ, hoặc hè chị làm gì với các cháu?

Các ngày lễ lớn nên đi chơi xa mở thêm hiểu biết về Mỹ

Thuờng thì cuối tuần chúng tôi cho các cháu đi xem phim, đi bơi hoặc đi ăn ngoài. Các ngày lễ lớn chúng tôi tổ chức đi chơi dài ngày ở tiểu bang khác để các cháu tham quan các nơi nổi tiếng như NASA, Disneyland, Las Vegas hoặc những danh lam thắng cảnh… Khi có ai mời đi ăn tiệc chúng tôi thường cho các cháu đi cùng để các cháu có dịp làm quen tiếp xúc với nhiều người. Chúng tôi vẫn thường tổ chức nấu nuớng ở nhà cho các cháu mời bạn bè đến chơi, tạo không khí thân mật trong bạn bè và mình có thể hiểu thêm về bạn bè của các cháu. Các cháu du học sinh đa phần rất nhút nhát trong việc kết bạn nên chúng tôi chú trọng vấn đề này để các cháu không quá mặc cảm hoặc bị cô độc khi đến lớp.

Cấp 3 là tuổi đang lớn, khó nuôi khó dạy. Chị nuôi dạy con người khác. Khó hơn, dễ hơn như thế nào?

Mình phải theo dõi tâm lý của các cháu thay đổi từng ngày một để điều chỉnh các sinh hoạt trong nhà cho phù hợp vì tuổi teen rất dễ nổi loạn, vừa đánh vừa xoa và phải vừa là bạn, là mẹ… thật sự rất khó. Khi các cháu bệnh, tụi này cũng “bệnh” theo. Các bậc phụ huynh nên cân nhắc cảm xúc của mình – cái cảm giác xót con. Nghe con gọi về than là buồn, phải làm này làm nọ, hay bị la rầy, nhớ nhà, cha mẹ lập tức xót con và có những phản ứng rất tiêu cực khiến tổn thuơng gia đình nhận nuôi. Hãy bình tĩnh nói chuyện với gia đình nhận nuôi (hosting family) để tìm hiều nguyên nhân và từ từ an ủi con mình để con hội nhập môi trường mới…

Các bạn biết là nuôi con người ta cực hơn nuôi con mình cả ngàn lần. Chúng tôi biết là khi các cháu ở với mình thì không chỉ các cháu có chỗ ăn chỗ ngủ đàng hoàng mà các cháu cần được uốn nắn đi theo con đuờng tốt. Chúng tôi có những nguyên tắc khá là nghiêm khắc nhằm tạo cho các cháu có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà cả những người xung quanh, chẳng hạn như mở cửa thì phải đóng cửa, mở đèn thì phải tắt đèn, lỡ làm sai thì xin lỗi và nhận khuyết đỉểm, cần gì thì ngồi xuống nói chuyện như một người lớn…

Tinh thần trách nhiệm và sự cởi mở trong giao tiếp có lẽ không phải là những chuyện mà học sinh Việt Nam nào cũng quen và biết. Các bạn ấy tiếp nhận những vấn đề này như thế nào?

Giao tiếp là một vấn đề khá khó khăn cho các cháu du học sinh năm đầu tiên

Giao tiếp là một vấn đề khá khó khăn cho các cháu du học sinh năm đầu tiên bởi rào cản của ngôn ngữ và văn hóa của hai nuớc khác nhau. Trừ một vài cháu đã quen với việc giao tiếp với xã hội bên ngoài do cha mẹ làm trong các ngành ngoại giao thường đưa các cháu đi đây đi đó, các cháu còn lại khá là nhút nhát trong giao tiếp. Chúng tôi phải chỉ dẫn và nhắc nhở các cháu từng chút một trong thời gian đầu để quen dần với nền văn hóa cùng cách giao tiếp với mọi người. Vấn đề này thuờng dễ dàng đuợc khắc phục chỉ sau vài tháng.

Tinh thần trách nhiệm – đây cũng là điều nan giải, bởi không phải bản chất các cháu vô trách nhiệm mà các cháu quen với sự lo lắng thương yêu của cha mẹ ở VN, cái gì cha mẹ cũng làm hết cho con nên các việc nhỏ nhặt đôi khi hình thành ở các cháu một thói quen lớn: không có tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn như những chuyện rất nhỏ như mở đèn duới bếp rồi đi lên lầu không tắt đèn, mở của rồi không khóa, hay lỡ làm bể cái ly mà không dám nói. Khi bị hỏi ai mở đèn không tắt các cháu sợ bị la nên nói dối. Chúng tôi phải nói chuyện với các cháu rằng ai cũng mắc sai phạm, chúng tôi không giận vì một cái ly bị bể nhưng chúng tôi giận vì các cháu không nói sự thật. Dần dần các cháu cởi mở hơn và có sự tự tin hơn, dẫn đến có tinh thần trách nhiệm hơn.

Việc chị nuôi học sinh, sinh viên du học trong nhà rõ ràng là đòi hỏi tinh thần ‘đồng đội’ rất cao, một sự nhịp nhàng và ăn ý giữa hai vợ chồng, bởi vì không thể để “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” xảy ra trong cách anh chị giáo dục các cháu. Chị có thể nói rõ về mối quan hệ-việc làm này?

Trước khi trả lời câu hỏi này của chị, tôi xin phép được muợn vài dòng để gởi đến ông xã lời cảm ơn sâu sắc nhất bởi không có sự hổ trợ của anh thì chắc chắn dù có thương bạn bè, quý gia đình như thế nào tôi cũng không thể nào cho các cháu vào nhà ở, chưa nói đến vấn đề nuôi dạy các cháu trong một thời gian dài. Cái may mắn của tôi ở chổ anh là người có tấm lòng và anh là người am hiểu rất nhiều về văn hóa phương Đông, nhất là Việt Nam. Chị biết rồi đó, người Mỹ đa phần thích sự riêng tư, không muốn ai quấy rầy cuộc sống của họ, nhất là sau 8 tiếng đi làm về, họ dành thời gian cho gia đình, xem TV, nói chuyện, đọc sách. Từ khi tôi nhận các cháu vào nhà mình ở, chúng tôi đã không còn sự riêng tư đó, chúng tôi đã bận rộn nhiều hơn hẳn.

Trong gia đình chúng tôi, mọi việc đều phải có sự đồng lòng của cả 2 vợ chồng, đó là nguyên tắc sống của chúng tôi từ xưa đến giờ. Vì vậy điều này đã là một ảnh hưởng rất tốt cho việc dạy dỗ các cháu bởi công việc này cần nhất là tính “đồng đội” – nếu tôi nói A, anh nói B thì các cháu sẽ không biết nghe ai. Bất cứ có chuyện gì chúng tôi đều phải thống nhất với nhau trước khi đưa ra quyết định cho các cháu. Như tôi đã chia sẻ ở trên, mỗi chúng tôi có một “mảng” riêng để lo cho các cháu – chẳng hạn như anh lo chuyện học hành của các cháu, chuyện thi cử, bài vở, học lái xe, dạy lái xe, đi bác sĩ, nha sĩ… còn tôi thì lo phần ăn uống, du lịch và sắm sửa áo quần, dọn dẹp phòng ốc và chăm sóc nhà cửa. Dù đã mặc định là như thế, chúng tôi vẫn bàn cùng nhau nên làm như thế nào để thuận tiện giờ giấc cho cả nhà, cho các cháu. Tôi may mắn là chưa bao giờ gặp trường hợp “trống đánh xui kèn thổi ngược” trong gia đình chúng tôi về chuyện dạy dỗ các cháu. Thú thật anh lo cho các cháu nhiều hơn là tôi. Như chị biết, công việc của tôi, có khoảng 4 tháng tôi làm một ngày 14, 15 tiếng. Sáng ra khỏi nhà khi các cháu chưa thức, tối về nhà khi các cháu đã ngủ. Anh đã chăm sóc các cháu đầy đủ – từ việc ăn uống, học hành và sức khoẻ. Chỉ cần cháu nào nổi mụn trên mặt là ngày hôm sau anh đưa đi mua thuốc, không hết là dắt đi bác sĩ. Cảm, ho, sổ mũi là anh lo từng li từng tí. Các cháu quấn quít với anh nhiều hơn với tôi và điều này khiến tôi an tâm rất nhiều khi nhận các cháu vào ở. Tôi cảm nhận được sự yêu thương chân thành của anh dành cho các cháu qua những chăm sóc lo toan – nói như vậy không có nghĩa là anh không la rầy. Anh thương thì thương nhưng la vẫn la, anh ghét nhất khi các cháu không nghe lời. Đó là lý do duy nhất khiến anh dễ nổi giận.

Với chúng tôi, đồng vợ đồng chồng là một trong những may mắn chúng tôi có được trong việc nuôi dạy các cháu bởi các cháu sẽ cảm nhận được tình gia đình mặc dù sống xa cha mẹ, đây là điều tôi luôn dành cho các cháu khi ở với chúng tôi. Tôi vẫn thích hình ảnh chúng tôi quây quần trong một buổi ăn tối cùng nhau – ngôn ngữ Anh-Việt pha lẫn, cười nói cùng nhau và sau đó là hình ảnh anh ngồi giúp các cháu làm bài tập về nhà không một lời than vãn kêu ca, chỉ thỉnh thoảng đùa với tôi “nếu có nhận du học sinh nên nhận vài cháu cùng lớp bởi một buổi tối học nhiều lớp mệt quá”….

Những chi tiết và thông tin mà chị chia sẻ thật quý báu. Tôi muốn kết thúc cuộc trao đổi bằng câu hỏi chung về nỗi vui buồn trong việc nuôi học sinh du học của anh chị. Chị tóm lượt lại như thế nào?

Cám ơn bạn đã hỏi câu hỏi này để chúng tôi có thể nói ra những nỗi niềm mà chưa bao giờ được nói ra. Trước nhất là chúng tôi rất vui vì được sự tin tưỏng của các bạn bè khi gởi con cho mình. Vui vì chúng tôi biết mình đang gián tiếp đào tạo một thế hệ trẻ cho những bước tiền đồ trong con đuờng đi tới tương lai của các cháu. Vui khi biết rằng nửa đêm khi các bậc phụ huynh giật mình thức dậy họ có thể an tâm ngủ lại khi biết con mình đang an toàn ở bên kia bờ đại dương. Và vui nhất là khi các cháu ra trường, trung học hay đại học và cả thạc sĩ nữa, bởi ít ra các cháu cũng đã đạt được kết quả mong đợi.

Buồn hả? Nhiều lắm bạn – thú thật là như vậy. Tôi không có ý kể ra đây nhưng cho phép tôi mượn câu trả lời này để gởi đến những bậc phụ huynh vài dòng chia sẻ. Xin các bậc phụ huynh hãy thông cảm cho chúng tôi. Ở đây chúng tôi đều đi làm ngày 8 tiếng (thậm chí có một vài tháng tôi phải làm 14 tiếng một ngày kể cả cuối tuần), về nhà chúng tôi phải lo cơm nuớc nhà cửa. Chúng tôi thường hay nửa đùa nửa thật – chủ nhà cũng mình, con sen cũng mình, chủ nợ cũng mình – để mọi người hiểu rằng chúng tôi không may mắn có sự trợ giúp của người giúp việc hay cha mẹ, anh chị em như ở VN. Vì lý do này thỉnh thoảng chúng tôi có trễ nãi trong việc chăm lo cho các cháu hay ăn uống có phần sơ sài.

Ở gia đình chúng tôi chuyện các cháu làm việc nhà là rất ít, chỉ lo cho phòng riêng của các cháu, thi thoảng các cháu có giúp chúng tôi làm chút việc nhà quét dọn nhà để xe hay lau chùi nhà cửa, không phải vì chúng tôi muốn các cháu làm mà chúng tôi muốn có cơ hội gần gũi chia sẻ với các cháu trong chuyện học hành đời sống và cũng là dạy các cháu sống phải biết chia sẻ phụ giúp. Chuyện học của các cháu là ưu tiên hàng đầu với chúng tôi nên chưa bao giờ các cháu phải bỏ chuyện học để làm việc nhà.

Các cháu không là con của chúng tôi đẻ ra nên tính tình chúng tôi không thể nắm rõ như các bậc phụ huynh, bởi vậy chuyện làm vừa lòng các cháu cũng ít nhiều bị hạn chế. Xin các bậc phụ huynh hãy cùng chúng tôi chia sẻ trọng trách giáo dục các cháu, đừng giao hết mọi việc cho chúng tôi bên này để khi lỡ có chuyện gì xảy ra thì câu đầu tiên gọi qua trách chúng tôi “tại sao?”

Cho tôi xin thêm một từ nữa để diễn tả tâm tư của chúng tôi khi nuôi nhận tuổi teen du học nhà mình. “Cực” vô cùng. Bạn bè tôi định cư tại Mỹ bao giờ cũng la rầy tôi khi thấy năm học mới có thêm một bé vào nhà mình. Nhiều cái lo lắm, lo từ sức khỏe đến chuyện học, lo từ chuyện bạn bè đến chuyện giao tiếp xã hội. Ông xã tôi thường hay đùa “bỗng dưng bây giờ phải học lại cấp 3…” khi mỗi tối chúng tôi phải ngồi cùng các cháu làm bài về nhà (homework), giảng giải những bài các cháu nghe chưa kịp ở trường. Thời gian vợ chồng dành cho nhau cũng ít hẳn. Còn tôi thì phải ráng nghĩ ra món ăn nào nấu cho các cháu ăn, đứa ăn được món này, đứa không ăn được món kia. Gặp những cháu nói hoài không nghe lời, chúng tôi rầy la thì bị phụ huynh bên nhà trách móc.

Tuy nhiên chúng tôi xin kết thúc như thế này: chúng tôi làm việc này chỉ vì tình thương dành cho các cháu và tình thân với bạn bè, gia đình. Chúng tôi chỉ mong mình có thể đóng góp một chút vào sự thành đạt của các cháu trong tương lai. Dù phải cực hay buồn, chúng tôi không hề nản lòng bởi chúng tôi biết niềm vui khi nhìn một đứa trẻ thành đạt trong xã hội là một niềm vui vô tận không chỉ cho chính các cháu mà còn là sự hạnh phúc vô biên của cha mẹ và mình may mắn được đóng góp một phần nhỏ trong đó.

Chia sẻ của Glen Tatum 

Vai trò của anh trong team (với vợ) trong việc nuôi học sinh, sinh viên Việt Nam tại nhà mình là gì?

Vai trò của tôi là người giám hộ. Tôi có trách nhiệm nuôi dạy như bậc cha mẹ những học sinh trong thời gian các cháu ở trong nhà tôi. Tôi đối xử với mỗi cháu như là con của mình và quan tâm chăm lo cũng như kỷ luật các cháu như tôi làm với con mình vậy.

Những cái lợi, hoặc hại nếu có, trong giao tiếp giữa anh với các cháu, với tư cách là một người Mỹ da trắng nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ?

Tôi khuyến khích giao tiếp bằng tiếng Anh mỗi khi có thể. Tôi không giới hạn việc dùng tiếng Việt, nói chuyện về tôn giáo hoặc văn hóa Việt Nam. Nhưng tôi nhắc nhở các cháu rằng cha mẹ các cháu bỏ nhiều ngàn đô la ra để các cháu qua đây học tiếng Anh và văn hóa Mỹ.

Theo kinh nghiệm của anh, thách thức lớn nhất trong việc nuôi sinh viên Việt Nam là gì?

Thường thì là rào cản về ngôn ngữ. Cho dù là đến trường các cháu học bằng tiếng Anh, không có gì giúp các cháu học tiếng Anh tốt hơn việc chuyện trò chuyện với người bản xứ. Thường phải sau 4 tháng định cư tại Mỹ các cháu mới có thể nói năng rành mạch và theo dõi được cuộc nói chuyện. Chuyện học hành ở trường thì bắt đầu trôi chảy vào khoảng lễ Tạ Ơn.

Anh có lời khuyên gì cho học sinh Việt Nam mà muốn đi Mỹ học?

Nên học tốt TA trước khi đi du học

Học hành cho tốt, học từ vựng. Đọc từ điển. Xem phim và TV Mỹ. Nghe nhạc Mỹ để học lời.

Anh có lời gì muốn nói với cha mẹ Việt Nam mà muốn cho con đi Mỹ học?

Đi Mỹ học là cách học tiếng Anh tốt hơn. Nếu học sinh nào không học giỏi ở Việt Nam thì cũng sẽ chẳng khá hơn gì khi qua bên đây.

anvihoang.com

Trả lời